Những việc cần làm khi đặt chân đến Đức

1. Kiểm tra các giấy tờ quan trọng

Các bạn cần kiểm tra kỹ các giấy tờ liên quan về chứng minh bản thân như hộ chiếu, visa du học, CMND/CCD, giấy khai sinh… và các giấy tờ học tập như bằng cấp, giấy tờ từ trường… Đặc biệt các bạn nên nhớ là những giấy tờ này nên được dịch thuật công chứng thành nhiều bản vì ở Đức làm thủ tục này rất tốn kém. Đồng thời, tất cả các giấy tờ cũng phải được nén vào file và tải lên email, phòng khi các bạn bị thất lạc giấy tờ.

Ngoài ra, sách và tài liệu học tập cũng nên nén thành file và tải lên email. Chỉ nên mang những sách và tài liệu thật sự cần thiết vì số kí cho hành lý có giới hạn.

 

2. Tìm hiểu thông tin về nơi sinh sống và học tập

Sau khi nộp hồ sơ xin visa du học Đức thì các bạn đã biết được nơi mình sẽ sinh sống và học tập thuộc thành phố nào của Đức rồi. Do đó các bạn nên tìm hiểu thông tin về nơi đó như cách thức đi lại, chi phí sinh hoạt, mua sắm ở đâu… Đây là những điều cần thiết đầu tiên mà các bạn nên tìm hiểu khi mới sang Đức.

Ngoài ra, các bạn cũng cần tìm hiểu thêm:

  • Cách thức đi lại từ sân bay đến về vùng bạn sinh sống và học tập
  • Liên hệ với Hội du học sinh tại Đức để bạn có thể nhờ sự giúp đỡ về 1 số vấn đề cấp bách khi vừa đặt chân đến nước Đức
  • Thủ tục hành chính phải làm khi đến Đức
  • Thời tiết tại Đức để chuẩn bị những áo quần phù hợp
  • Tiền mặt cầm tay mang theo bao nhiêu là đủ khi đến thành phố đó cho thời gian đầu

3. Mua sim điện thoại

Cũng giống như tại Việt Nam, khi đến 1 đất nước nào sinh sống, học tập thì việc sử dụng điện thoại là cần thiết, cũng như bạn cần phải có cho mình 1 số điện thoại ở đất nước đó để khi đăng kí giấy tờ hoặc thông báo các vấn đề liên quan thì số điện thoại bạn đã có sẵn rồi.

Ở Đức, khi mua thẻ sim, người dùng phải đăng ký bằng ID và cung cấp bằng chứng về địa chỉ cư trú tại Đức. Thẻ sim có thể được mua ở hầu hết các siêu thị, cửa hàng điện tử và trong nhiều cửa hàng điện thoại di động nhỏ với các gói khác nhau.

Có 1 số lượng lớn các nhà cung cấp trong các mạng khác nhau như:

  • VODAFONE;
  • TELEKOM;
  • ALDI TALK;
  • LIDL CONNECT.

Vì mới sang Đức, các giấy tờ của bạn còn thiếu nên không thể mua được ngay thẻ điện thoại của Đức để vào internet. Các bạn có thể ra cửa hàng của Thổ mua và nhờ các bạn Thổ kích hoạt sim điện thoại. Với sim điện thoại này các bạn có thể gọi điện và vào internet. Giá khoảng 15-20 EUR cho 16 GB internet và gọi điện trong 1 tháng nhé.

4. Tìm nhà và đăng kí thuê nhà

Đối với các bạn du học nghề hoặc những bạn học lên cao đã được xác nhận học tại 1 trường nào đó thì việc các bạn đã có nơi ở và tìm được nhà thì đã có trước khi các bạn sang Đức sẽ thuận tiện hơn. Vậy nên sau khi các bạn đến Đức thì các bạn chỉ cần di chuyển đến nơi mình sinh sống, và đến địa chỉ nhà mình đã thuê, liên lạc trước với chủ nhà. Sau đó kiểm tra nhà, kí hợp đồng. Cùng với đó là giấy xác nhận của chủ nhà về vấn thuê nhà của bạn.

Tuy nhiên, đối với du học sinh hệ Đại học hay Dự bị thì có thể sẽ khó khăn hơn. Nếu bạn có người thân tại Đức, ban đầu bạn nên sống nhờ ở nhà người thân thời gian đầu khoảng 1 tháng sau khi bạn hoàn thành xong kì thi Dự bị tại các trường.

Khi các bạn có kết quả sau 5 đến 10 ngày thì bạn sẽ biết được mình sẽ sống ở đâu. Lúc này bạn bắt đầu tìm nhà và liên hệ tại thành phố đó. Sau khi tìm được nhà thì bạn nhanh chóng làm thủ tục đăng kí hợp đồng thuê nhà để nhận được xác minh của chủ nhà. Cuối cùng là bạn tiếp tục đi làm đăng kí tạm trú tại nơi bạn sinh sống.

Việc tìm nhà sẽ khó khăn hơn đối các bạn học tập tại các thành phố lớn ở phía Tây Đức. Các bạn cần rất nhiều thông tin thuê nhà tại các thành phố cũng như sự hỗ trợ của Hội sinh viên quốc tế ngay tại thành phố đó, điều này sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều.

5. Đăng ký tạm trú tại nơi mình sinh sống

Sau khi đã tìm được nơi ở phù hợp với mình rồi thì bước đăng kí tạm trú nơi bạn ở là thủ tục vô cùng quan trọng. Trong vòng 1-2 tuần khi bạn có những giấy tờ hợp đồng nhà và xác minh của chủ nhà, bạn nên đến ngay các Văn Phòng Đăng kí tạm trú (Bürgeramt) nơi bạn ở để đăng kí tạm trú.

Đây là nơi bạn nhận được “Xác nhận đăng ký” (Meldebestätigung). Với giấy xác nhận này, bạn sẽ yên tâm học tập và sinh sống tại Đức, không lo bị cảnh sát/Sở Ngoại kiều hỏi thăm bất ngờ nữa.

6. Đăng ký hòm thư

Việc bạn có hòm thư khi đến Đức là vô cùng quan trọng. Đây là thủ tục cần thiết phải làm ngay vì ở Đức hầu như mọi vấn đề đều sẽ làm việc qua email và thư từ.

Đối với các bạn du học nghề và du học Cao học thì trước khi qua Đức các bạn đã xác định được nơi mình sinh sống và học tập nên các bạn cũng đã tìm được chỗ ở khi còn ở Việt Nam vậy nên khi sang các bạn chỉ cần chuyển đến nơi mình sẽ ở, làm các giấy tờ về vấn đề nhà ở và sau đó sẽ điền tên mình lên hòm thư tại nhà mình.Còn đối với các bạn du học Đại học thì bước đầu sẽ khó khăn hơn. Vì khi thời gian đầu các bạn sẽ phải tham gia các kì thi Dự bị ại học ở những nơi khác nhau, và đến khi có kết quả thì các bạn mới có thể xác định được mình sẽ ở thành phố nào.

Vậy nên lúc đầu vấn đề chỗ ở sẽ hơi phức tạp. Nếu bạn có người thân hoặc ở nhờ 1 người nào đó thì việc ở tạm một thời gian đầu và xin để tạm tên mình 1 thời gian trên hòm thư sẽ dễ dàng hơn, hoặc nhờ người đó nhận thư giùm mình, nhằm tránh thất lạc những giấy tờ quan trọng nhé.

7. Đăng ký bảo hiểm

Đăng ký bảo hiểm là 1 trong những thủ tục cần thiết khi sang Đức du học. Bảo hiểm y tế là loại hình bảo hiểm thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giúp giảm thiểu những chi phí chăm sóc sức khỏe, chi phí liên quan đến việc điều trị, phục hồi sức khỏe… hoặc trong các trường hợp bị mắc bệnh hoặc bị tai nạn… Vì vậy đây là loại là loại bảo hiểm bắt buộc tại Đức. Có bảo hiểm y tế công do Chính phủ quy định (GKV) và bảo hiểm y tế tư nhân từ 1 công ty của Đức hoặc quốc tế (PKV) hoặc kết hợp cả 2.

Hầu như các bạn du học nghề hay đã được nhập học và là sinh viên trường đại học thì các bạn sẽ được đăng kí loại bảo hiểm như AOK, TKK, DAK.

Chi phí hàng tháng tùy theo bang sẽ chênh lệch nhau vài EUR:

  • AOK (83 EUR)
  • TKK (81,3 EUR)
  • DAK (85,49 EUR)

Đây là chi phí bắt buộc mà các bạn phải trả mỗi tháng, vì việc này sẽ giúp các bạn trong vấn đề ốm đau hay bệnh tật khi ở Đức.

8. Mở tài khoản ngân hàng

Sau làm quen với môi trường sống ở Đức, cũng như số tiền bạn cầm tay qua Đức đã dần cạn thì hãy nhanh chóng kích hoạt tài khoản ngân hàng ở Đức. Đây là tài khoản mà bạn đã làm trước đó ở Việt Nam.

Những bạn mở tài khoản là Vietinbank của Việt Nam thì các bạn cần đến trực tiếp hoặc gọi điện hỏi thủ tục và giấy tờ, sau đó bạn phải gửi những giấy tờ yêu cầu mở tài khoản qua hòm thư đến chi nhánh mà bạn đăng kí tại Đức là ở Berlin hoặc Frankfurt. Khi họ kiểm tra đầy đủ thông tin giấy tờ sẽ làm thủ tục kích hoạt cho bạn. Sau đó bạn sẽ nhận được các thông tin cũng như thẻ về hòm thư của mình và sử dụng nó.

Nếu ngân hàng mà bạn mở là ngân hàng của Đức thì bạn có thể đến trực tiếp tại địa chỉ ngân hàng đó ở nơi bạn ở và yêu cầu làm thủ tục cần thiết để kích hoạt tài khoản. Bạn sẽ nhận được thẻ qua hòm thư của bạn sau vài ngày làm việc.

Ngoài ra hiện nay, bên cạnh việc mở tài khoản phong tỏa tại Việt Nam qua Vietinbank, các bạn có thể mở qua web Expatrio. Đây là web liên kết ngân hàng cho phép bạn mở tài khoản phong tỏa thuận tiện hơn và cũng giúp các bạn liên kết với các ngân hàng của Đức. Như vậy khi các bạn sang Đức sẽ có thể dễ dàng có thêm tài khoản ngân hàng cá nhân tại 1 trong những ngân hàng phổ thông tại Đức (Deutsche Bank, Sparkasse, Commerzbank).

9. Kết nối với người thân quen hoặc tham gia Hội du học sinh tại Đức

Với những bạn có người thân hoặc người quen ở Đức thì việc các bạn mới đến Đức sẽ dễ dàng và đỡ bỡ hơn hơn vì sẽ giúp bạn ổn định cuộc sống và hướng dẫn cho bạn những ngày đầu ở Đức để các bạn dễ hòa nhập với cuộc sống bên Đức.

Còn những bạn du học không có người thân hay người quen thì các bạn hãy liên hệ với Hội du học sinh ngay khi đến Đức. Đặc biệt ở Đức hội du học sinh hỗ trợ bạn rất nhiệt tình. Ví dụ như Hội sinh viên Việt Nam tại Đức có hỗ trợ giúp đón các bạn tại sân bay cũng như hướng dẫn bạn đi tàu về thành phố bạn sinh sống. Hội du học sinh sẽ trở thành mái nhà an toàn hỗ trợ những khó khăn mà bạn gặp phải ở Đức. Ngoài ra mỗi thành phố bạn ở đều có Hội du học sinh riêng tại thành phố đó. Vậy nên hãy liên hệ và làm quen với mọi người để giúp bạn bớt cô đơn và dễ dàng hòa nhập với cuộc sống tại Đức bước đầu nhé.

10. Xin gia hạn visa du học Đức

 

Sau khi các bạn hoàn thành xong các thủ tục giấy tờ cần thiết như nhà ở, đăng ký tạm trú, giấy tờ nhập học, bảo hiểm, ngân hàng,… thì việc tiếp theo của các bạn đó là gia hạn visa du học tại Sở Ngoại kiều nơi bạn sống.Để được cấp visa dài hạn giúp các bạn có thể ổn định sinh sống và học tập tại Đức thì việc này rất quan trọng vì nếu không gia hạn visa bạn có thể bị trục xuất khỏi Đức.Với vấn đề gia hạn visa này chỉ cần bạn có giấy tờ đầy đủ và minh bạch thì bạn sẽ nhanh chóng được cấp Thẻ cư trú. Còn không họ sẽ thông báo phải bổ sung đầy đủ giấy tờ cần thiết.

Với lần gia hạn sau, nếu bạn vẫn ở thành phố đó thì có thể Sở Ngoại kiều sẽ tự động gửi lịch hẹn gia hạn visa cùng với những yêu cầu về giấy tờ liên quan để cho bạn chuẩn bị qua hòm thư. Vậy nên các bạn cần chú ý cũng như phải kiểm tra thư hàng ngày nhé.

0 bình luận
0

Liên quan