Đôi nét về nước Đức cho các du học sinh

Cộng hòa liên bang Đức là một trong các nước công nghiệp hoá nhiều nhất trên thế giới, nằm ở giữa châu Âu và có chung đường biên giới với các nước Đan Mạch, Ba Lan, Cộng hoà Czesk, Áo, Pháp, Luxembourg, Bỉ và Hà Lan. Ở phía bắc, nước Đức nằm giáp ranh với biển Baltic và Bắc Hải. Nước Đức là một trong những thành viên sáng lập của Liên Minh Châu Âu và là nước đông dân nhất trong khối này. Ngoài ra nước Đức còn là thành viên trong khối NATO và G8. Thủ đô và trụ sở của chính phủ Đức nằm tại Berlin; một số trụ sở của các bộ liên bang nằm tại Bonn. Nước Đức có tất cả 16 tiểu bang. Các thành phố lớn nhất của nước Đức là Berlin, Hamburg, München, Cologne, Frankfurt, Dortmund, Essen, Stuttgart và Düsseldorf.

Dân số

Diện tích nước Đức chỉ lớn hơn nước láng giềng Ba Lan một chút, nhưng dân số lại nhiều hơn gấp đôi. Trong số đó 68 triệu là người Đức, còn lại 15 triệu là người nước ngoài hay có nguồn gốc từ các nước khác. Khoảng 75 triệu người có quốc tịch Đức, một số ít trong số đó còn có thêm quốc tịch nước khác bên cạnh quốc tịch Đức. Khoảng 7,5 triệu người là người nước ngoài.

Kinh tế

Đức vốn không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, cho nên nền kinh tế của nước này chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp và dịch vụ. Phần lớn diện tích nước Đức được dùng cho nông nghiệp, nhưng chỉ có 2% – 3% dân số Đức làm việc trong ngành này. Với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hơn 2.271 tỉ Euro, Đức là nước công nghiệp với nền kinh tế quốc gia lớn thứ 3 thế giới.

Giáo dục

Trên toàn nước Đức, tất cả trẻ em đều có nghĩa vụ phải học đến hết lớp 9. Trong khi ở một số bang chương trình phổ thông chỉ kéo dài 12 năm, thì ở các bang khác tới những 13 năm. Sau khi tốt nghiệp bậc trung học (lớp 10), thanh niên ở Đức có nhiều sự lựa chọn. Họ có thể học nghề ở các trường dạy nghề, hay học hết phổ thông để lấy bằng Abitur (tương đương với bằng tốt nghiệp phổ thông ở Việt Nam). Sau Abitur họ có thể chọn học tiếp ở trường đại học chuyên sâu về nghiên cứu (Universität) hay chuyên sâu về công nghệ (Fachhochschule, thường được dịch sai ra tiếng Việt là trường cao đẳng). Bằng tốt nghiệp giữa hai loại trường đại học này đều không có sự khác biệt gì cả, nhưng trên thực tế thì bằng Universität vẫn được coi trọng hơn. Bù lại, sinh viên tốt nghiệp trường Fachhochschule nhanh tìm được việc làm hơn, vì trong quá trình học, họ có cơ hội để thu thập được nhiều kinh nghiệm thực hành, một trong những yếu tố được đánh giá cao ở Đức.

Ngôn ngữ

Ngôn ngữ nói và viết chính thức là tiếng Đức (Hochdeutsch). Tiếng Đức đã từng một thời là ngôn ngữ chung ở trung tâm Châu Âu, Bắc Âu và Đông Âu. Ngày nay tiếng Đức là một trong những ngôn ngữ được dạy nhiều nhất trên thế giới, và là ngoại ngữ được yêu chuộng thứ hai sau tiếng Anh ở Châu Âu. Có rất nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng, mặc dù không phải là công dân Đức, nhưng vẫn được coi là người Đức bởi sự hiểu biết sâu sắc về nền văn hòa Đức của họ giống như Wolfgang Amadeus Mozart, Franz Kafka và Stefan Zweig.

 

0 bình luận
0

Liên quan